Trước nay, với sự thống trị của Intel, các nhà sản xuất RAM thường ưu tiên ra mắt các sản phẩm hiệu năng cao được ép xung sẵn thông qua XMP (Extreme Memory Profile), vốn cũng là công nghệ do Intel phát triển. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy trong những năm gần đây của AMD Ryzen cùng sự ra mắt của chuẩn DDR5, người dùng bắt đầu được tiếp cận với những kit RAM được sản xuất dành riêng cho các cấu hình AMD và ép xung thông qua EXPO (Extended Profiles for Overclocking).
Là nhà sản xuất hàng đầu về bộ nhớ trong, đặc biệt là RAM, G.Skill cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Ngoài dải sản phẩm trải hết các phân khúc, G.Skill còn xây dựng dòng sản phẩm Trident Royal cao cấp nhất với thiết kế cực kì “luxury” và “hoàng gia”. Các phiên bản Trident Royal thường sẽ được trang bị XMP còn các phiên bản có EXPO sẽ được phân biệt bằng hậu tố Neo.
Như đã nói ở trên, G.Skill TridentZ5 Royal Neo trong bài đánh giá này hướng tới các cấu hình AMD. Vì vậy, trên hộp ngoài logo hãng, tên đầy đủ của sản phẩm thì còn có logo AMD EXPO. Là dòng sản phẩm đầu bảng của G.Skill nên TridentZ5 Royal Neo có đóng gói khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại của thị trường với hộp mở lên, tạo cảm giác rất cao cấp.
Mở nắp lên, dưới chiếc khăn microfiber là kit RAM 2x16GB có xung nhịp 6000MHz. Việc chỉ có dung lượng 16GB mỗi thanh thay vì 24 hoặc 32 như phần lớn các kit RAM DDR5 cũng giúp kit RAM này có thông số timing tốt, đạt mức CL28-36-36-96. Nhờ đó, độ trễ RAM có thể được cải thiện tốt, qua đó cải thiện phần nào hiệu năng ở một số tựa game.
Bởi là dòng sản phẩm cao cấp, thậm chí là đầu bảng của G.SKILL, ngoài hai thanh RAM, TridentZ5 Royal Neo còn được trang bị thêm sticker và đặc biệt là một chiếc khăng microfiber để người dùng có thể vệ sinh các vết bẩn hoặc vân tay trên bề mặt tản nhiệt nhôm được mạ bóng gương của RAM.
G.Skill TridentZ5 Royal Neo vẫn theo thiết kế đặc trưng của dòng TridentZ5 Royal với phần ốp tản nhiệt là miếng nhôm nguyên khối được cắt vát uốn lượn và mạ bóng, với hai phiên bản màu bạc như trong ảnh (do góc chiếu sáng nên khó thể hiện) và màu vàng có chút sắc hồng.
Một trong những thiết kế tiêu biểu khác của TridentZ5 Royal Neo và những sản phẩm tiền nhiệm từ thời DDR4 là dải LED được thiết kế như các tinh thể thủy tinh để tạo hiệu ứng đèn LED lung linh hơn.
Bởi được mạ một lớp bóng gương, bề mặt của Trident Z5 Royal NEO phản chiếu hoàn hảo các linh kiện xung quanh khi được gắn lên mainboard. Tuy nhiên, người dùng cũng sẽ cần hết sức cẩn thận trong quá trình lắp ráp để tránh để lại các vết vân tay trên bề mặt gương này.
Nhờ dải LED RGB được thiết kế như các tinh thể thủy tinh, đèn LED phát ra từ G.Skill TridentZ5 Royal NEO tạo cảm giác lung linh hơn các dải LED trơn trên RAM thông thường. Dải LED này cũng có thể được điều chỉnh hiệu ứng thông qua ứng dụng của chính G.Skill hoặc thông qua AURA Sync, Mystic Light,… của các hãng sản xuất mainboard.
Về hiệu năng, thực tế việc đo đạc và để cảm nhận thực tế là khá “mờ”. Tuy vậy, với một số bài thử cơ bản, có thể thấy sự chênh lệch khá lớn giữa mức xung nhịp gốc (4800MHz) và mức ép xung theo EXPO (6000MHz). Trong đó, ở bài thử nén và giải nén 7-Zip, tốc độ của G.Skill TridentZ5 Royal NEO có thể chênh lệch tới 13%.
Tương tự với bài thử Memory của AIDA64 Extreme, tốc độ đọc/ ghi của G.Skill TridentZ5 Royal NEO có thể chênh tới 30% giữa xung nhịp gốc và xung nhịp ép xung. Độ trễ bộ nhớ cũng được cải thiện tương đương.
Trong khi đó, với bài thử CineBench 2024, hiệu năng của CPU lẫn GPU đều không có sự chênh lệch đáng kể.
Nhìn chung, tương tự như các người đàn anh và anh em, G.Skill TridentZ5 Royal Neo là một kit RAM “sang chảnh” với hiệu năng cũng ngầu không kém. Việc hạn chế dung lượng nhằm tối ưu độ trễ CL ở mức 16GB/ thanh RAM cũng như mức xung nhịp ở mức 6000MHz là vừa đủ. Qua đó, có thể thấy rõ hơn đối tượng khách hàng mục tiêu của kit RAM này là game thủ sử dụng CPU AMD Ryzen 7000 hoặc mới hơn là 9000 series. Một yếu tố tiên quyết nữa chắc chắn là hầu bao phải rủng rỉnh để đáp ứng được mức giá khá cao của kit RAM này nói riêng hay dòng RAM G.Skill TridentZ5 Royal nói chung.