Khoảng hơn 1 tuần trước, Corsair đã công bố dòng bàn phím chơi game mới nhất của mình là K70 Core TKL . Đây là sự nâng cấp cho dòng bàn phím K70 đã khá nổi trên thị trường của thương hiệu này, với những nâng cấp về thiết kế, và đặc biệt là ở switch mới với lời hứa về trải nghiệm gõ ‘mượt mà’ hơn.
Hãy cùng ‘đập hộp’ bộ bàn phím này để kiểm chứng xem điều này có đúng hay không!
Hộp sản phẩm vẫn có tông màu đen vàng đặc trưng của các sản phẩm từ Corsair. Tại đây cũng in một vài tính năng nổi bật như switch MLX Red v2 và hệ thống giảm thanh bằng bọt biển (foam).
Bộ phụ kiện của K70 Core TKL khá đơn giản: Giấy bảo hành, tờ in các thông tin an toàn và dây cắm USB-C – USB-A cho bàn phím.
Sợi dây cắm được bọc vải dù khá dày dặn, các chân kết nối cũng được gia cố nên tạo cảm giác chắc chắn.
Và đây là chiếc bàn phím của chúng ta: Corsair K70 Core TKL phiên bản có dây, ngoài ra cũng có một phiên bản cao cấp hơn có kết nối 2.4GHz Slipstream độ trễ thấp nữa. Cái tên đã nói lên tất cả, đây là một chiếc bàn phím có kích cỡ tenkeyless, tức là đã loại bỏ cụm số Numpad ở cạnh phải để tiết kiệm diện tích bàn cho việc di chuột, đồng thời vẫn không thiếu phím vì có đủ cả hàng số lẫn Function.
Thứ đầu tiên mà ta nhận ra đó là tấm plate ở trên cùng của phím được làm bằng kim loại, đặt trên phần thân vỏ được làm bằng nhựa. Lớp kim loại này được làm phay xước nhẹ, ở phía trên các nút điều hướng có một logo ‘cánh buồm’ Corsair nhỏ.
Nhìn từ cạnh bên, phím có thiết kế ‘trôi’ (floating design) tức là switch được gắn thẳng lên tấm plate ở trên, nên sẽ ‘trồi’ lên 1 chút so với thân phím kể cả khi đã lắp keycap vào. Đây cũng là một bàn phím có hệ thống đèn RGB, nên khi nhìn từ cạnh bên ta cũng thấy được đèn lấp lánh!
Cổng cắm USB-C của phím được đặt ở cạnh trái mặt sau, không làm ‘thụt’ vào trong nên ta hoàn toàn có thể sử dụng những sợi dây khác chứ không nhất thiết là phải dùng sợi dây trong hộp. Cũng từ cạnh này ta có thể thấy, vì switch đã ‘trồi’ lên trên nên phần vỏ phím khá mỏng.
Mặt dưới được trang trí bằng những hình họa đối xứng ở 2 bên, ở chính giữa có 1 tấm hình tròn cắt dập nổi đồng tâm với logo của hãng.
Ở 2 bên ta có 2 miếng chân dựng (feet) để nâng cao phím. Ở một số dòng phím hiện nay còn có cơ chế dựng 2 nấc, nhưng trên thực tế K70 Core TKL khi dùng chân dựng này cũng đã có một góc gõ thoải mái nên không cần tới nấc thứ 2.
Trở lại với mặt trước, ở cạnh phải thay vì có thêm 1 vài nút chức năng thì K70 Core TKL đã được trang bị thêm 1 nút Media và 1 vòng xoay. Mặc định, nút Media sẽ dùng để dừng / chơi nhạc, còn vòng xoay sẽ để chỉnh âm lượng và khi nhấn xuống sẽ tắt tiếng (Mute).
Chức năng của nút và phím cũng có thể điều chỉnh được trong phần mềm iCUE, với vòng xoay có thể dùng để chỉnh độ sáng của đèn RGB, cuộn trang dọc (thay cho chuột), cuộn trang ngang hoặc zoom lớn ảnh. Cũng tại phần mềm này, ta có thể điều chỉnh hiệu ứng đèn, cài đặt macro, khóa phím Winkey (tránh bấm nhầm khi đang chơi game).
Những hiệu ứng đèn của Corsair K70 Core TKL
Phím cũng có một tính năng hướng tới game thủ tên là FlashTap, cho phép ưu tiên 1 nút duy nhất khi nhấn cùng lúc 2 nút di chuyển (WASD). Tính năng này dùng để hỗ trợ những pha ‘flick’ bắn súng nhanh sau tường trong những tựa game FPS. Ngoài ra phím cũng hoạt động mặc định ở tần số lấy mẫu cao 1000Hz, thường thấy trên chuột và phím gaming.
Keycap của phím được làm bằng nhựa ABS với bề mặt được làm sần, theo quảng cáo của hãng thì “có độ bền cao cho việc chơi game” nhưng thường nhựa ABS sẽ có thể bị bóng, giảm độ lì bề mặt nhanh hơn so với PBT. Keycap được chế tạo bằng phương pháp double-shot, với lớp chữ được làm trong suốt để lọt ánh sáng đèn ở phía dưới.
Phím được sử dụng bộ switch mới là MLX Red v2, một loại switch tuyến tính được chính Corsair sản xuất đã được bôi dầu (lube) sẵn. Switch này sử dụng trên thực tế đúng là có độ mượt tốt, tránh được hiện tượng ‘sạn’ thường thấy ở dòng Cherry MX Red mà loại switch của Corsair phát triển lên. Một ưu điểm khác tôi cũng nhận thấy trong quá trình sử dụng đó là switch có phần giữ keycap (stem) khá chắc chắn, không bị rung lắc sang 2 bên.
Để đánh giá về âm thanh khi gõ của phím, K70 Core TKL có phần plate làm bằng kim loại nên khi nhấn ‘lút cán’ switch ta sẽ nghe thấy tiếng đanh, nhưng vẫn sẽ có độ ‘lộp bộp’ đặc trưng của lớp vỏ nhựa bên ngoài chứ chưa thể chắc chắn hoàn toàn được như những bộ bàn phím vỏ nhôm.
Tuy vậy, tiếng của phím không bị vang, ‘lọc xọc’ nhiều vì bên trong vỏ phím đã có 2 lớp bọt tiêu âm ‘kẹp’ giữa bảng mạch PCB. Âm thanh này khi nghe ta vẫn hoàn toàn có thể biết được đây là một bộ phím làm sẵn với vỏ nhựa, nhưng không cho cảm giác rẻ tiền, cũng tránh được khó chịu cho mọi người xung quanh.
Một điểm đáng khen nữa là các thanh stabilizer (cân bằng phím dài) cũng đã được cân chỉnh, thêm 1 chút dầu mỡ nên khi nhấn xuống không tạo ra tiếng. Việc đã thêm dầu cho cả switch lẫn stabilizer tiết kiệm cho người dùng thời gian và tiền, không cần phải đem đi ‘chỉnh chọt’ thêm mà đem ra dùng được luôn.
Nhìn một cách tổng thể, K70 Core TKL vẫn chưa đạt được tới trải nghiệm cao cấp vì không có vỏ ngoài bằng kim loại, và cũng không có layout, tính năng gì quá ‘đặc dị’ cả. Nhưng những gì ta có là một bộ phím gaming làm sẵn (pre-built) với trải nghiệm gõ đã được ‘chăm chút’ sẵn từ nhà máy, có đèn RGB, có nút vặn đa năng và phần mềm điều khiển trên máy tính đã được phát triển hoàn thiện – nhiêu đó cũng đã đủ cho nhu cầu sử dụng của đa số game thủ rồi!