Theo Báo Công Thương, Việt Nam có hơn 3.200 km đường bờ biển nhưng vẫn phải bỏ hàng tỷ USD nhập khẩu muối. Nghịch lý này xuất phát từ nguyên nhân chính là công nghệ chế biến muối không đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sản xuất trong nước.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu tiêu thụ muối nước ta vào khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn mỗi năm nhưng sức sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là muối ăn, VTV News đưa tin. Còn muối cho công nghiệp và y tế vẫn phải nhập khẩu, với khối lượng từ 400.000 – 600.000 tấn mỗi năm.
Vậy ngoài dùng làm gia vị nấu ăn, muối còn được ứng dụng như thế nào trong y tế?
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết muối có vai trò rất quan trọng với sự sống. Chức năng sinh lý cơ bản của cơ thể người phụ thuộc vào sự cân bằng giữa muối và các chất lỏng trong cơ thể. Khi sự cân bằng thay đổi, bệnh có thể xảy ra.
Muối ăn hầu như có mặt khắp nơi, đã được sử dụng như một phương thuốc, điều trị hỗ trợ, và một biện pháp phòng ngừa trong hàng ngàn năm. Muối có thể được dùng để uống, bôi tại chỗ và nhiều hình thức khác.
Muối được sử dụng như thế nào trong y tế?
Bác sĩ Vũ cho biết từ thời xa xưa, người Ai Cập đã dùng muối trong điều trị bệnh, khử trùng, rửa vết thương. Tài liệu cổ của người Ai Cập cổ đại mô tả nhiều công thức chế biến sử dụng muối biển để làm thuốc nhuận tràng và chống khuẩn.
Người Hy Lạp cổ đại từ lâu cũng đã dùng muối trong y tế. Các phương pháp chữa bệnh của Hippocrates (thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại) được thực hiện thường xuyên với muối. Một hỗn hợp của nước, muối, giấm đã được sử dụng như là một chất gây nôn. Hay như việc Hippocrates dùng muối để rửa vết thương, điều trị bệnh ngoài da, xông hơi để điều trị bệnh hô hấp…
Bác sĩ Vũ cho hay tác dụng trong y học của muối còn gắn với tên tuổi của bác sĩ Pedanius Dioscorides (Hy Lạp). Ông là một bác sĩ, dược sĩ và nhà thực vật học, tác giả của De Materia Medica – một bách khoa toàn thư về thuốc, thảo dược và các chất dược liệu – được sử dụng rộng rãi trong hơn 1.500 năm.
Dioskurides dùng hỗn hợp muối, mật ong, giấm để gây nôn. Ngoài ra, ông còn dùng giấm pha muối để kiểm tra máu sau khi phẫu thuật, súc miệng, dùng ngoài da trị nấm. Muối được thêm vào rượu và nước là thuốc nhuận tràng.
Theo bác sĩ Vũ, ngày nay, muối được dùng trong y học và cuộc sống hằng ngày. Y học thế kỷ 20 đã nghiên cứu ra nước muối – dưới hình thức của một dung dịch đẳng trương natri clorua (NaCl) – có chất lượng chất lỏng giống như huyết tương. Điều này dẫn đến việc sử dụng các dung dịch muối để truyền tĩnh mạch.
Muối ngày càng được sử dụng phổ biến để hỗ trợ điều trị cho các bệnh ngoài da, viêm da mãn tính. Muối giúp làm bong tróc các mảng da, làm giảm viêm, ngứa và đau, và giúp tái tạo da. Muối tắm thường được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng, chàm mãn tính cũng như chứng viêm khớp…
Bác sĩ Vũ cho biết muối biển ngày nay còn được sử dụng như một chất phụ gia đặc biệt trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể (thuốc mỡ, dầu gội, sữa tắm…).