Nếu như dòng K70 Core gồm những bàn phím với tính năng cơ bản, vừa đủ cho nhu cầu của các game thủ thì K70 Pro lại là dòng sản phẩm cao cấp hơn, tích hợp những tính năng hiện đại của thị trường bàn phím cơ.
Dù là ở tầm giá nào, các sản phẩm của Corsair vẫn có cách đóng hộp quen thuộc với 2 tông màu chủ đạo là đen và vàng.
Tính năng đáng nói nhất ở bộ bàn phím cơ này đó là switch MGX Hyperdrive mà ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong phần sau.
Mở hộp, ta có bộ phụ kiện bao gồm giấy bảo hành, sợi dây kết nối USB-C – USB-A được bọc dù và kê tay – một món phụ kiện mà dòng K70 Core thiếu.
Đây là một miếng kê tay kết nối với phím bằng nam châm, được hoàn thiện bằng nhựa và có những miếng cao su ở dưới đáy để giảm trơn trượt.
Bề mặt tiếp xúc với tay người dùng khá mềm, có các họa tiết dập nổi cũng với mục đích để giảm trượt.
K70 Pro TKL trong cái tên đã nói về layout của phím đó là tenkeyless, đã loại bỏ cụm Numpad ở cạnh phải để có thêm không gian di chuyển chuột. Như trong bài trải nghiệm phiên bản K70 Core TKL trước đó, tôi cũng đã đánh giá rằng đây là layout phù hợp với nhiều nhu cầu, vì vẫn đầy đủ các phím điều hướng, hàng Function, lại tạo cảm giác thoải mái khi cầm chuột nữa.
Tấm plate trên cùng của K70 Pro TKL làm bằng kim loại phay xước, trang trí thêm bằng một logo ‘cánh buồm’ của Corsair ở phía trên cụm điều hướng.
Phần khung vỏ của K70 Pro TKL vẫn được làm bằng nhựa nhưng được hoàn thiện ở mức tỉ mỉ khi không có nhựa thừa, sờ vào mịn tay, gõ tay vào cũng không nghe thấy tiếng ‘lọc xọc’.
Mặt dưới của K70 Pro TKL có thiết kế tương tự như dòng K70 Core TKL, bao gồm những hình khối đối xứng nhau ở giữa, cùng 1 miếng kim loại cắt phay xước có logo của hãng.
Phần chân dựng phím cũng không có gì thay đổi cả, chỉ có 1 nấc duy nhất nhưng cũng đã đưa phím tới độ cao, góc nghiêng phù hợp trong sử dụng thực tế.
Với tất cả những bàn phím trong dòng K70, Corsair loại bỏ 1 số phím chức năng ở góc phải để ‘nhường chỗ’ cho 2 nút là Media và Game Mode cùng 1 vòng xoay được phủ kim loại.
Nút Game Mode cho phép chuyển nhanh vào chế độ chơi game của phím (LED tĩnh để tránh xao nhãng, tăng tần số lấy mẫu, khóa phím Windows, tắt tiết kiệm năng lượng và bật Rapid Trigger); nút Media mặc định sẽ để dừng / chơi nhạc và vòng xoay để điều chỉnh âm lượng.
Chức năng của loạt phím này cũng như vòng xoay có thể điều chỉnh ở phần mềm iCUE trên máy tính, ngoài ra ta cũng có thể chỉnh hiệu ứng đèn LED, tần số lấy mẫu (cao nhất là tới 8000Hz với K70 Pro TKL) và gán hệ thống phím Macro.
Trở lại với switch MGX Hyperdrive mà Corsair trang bị cho bàn phím này. Đây là switch sử dụng nam châm để kích hoạt thay cho các lưỡi gà bằng đồng của switch cơ học thông thường, nên sẽ có thể điều chỉnh điểm kích hoạt này bằng phần mềm. Từ điểm kích hoạt gốc (3.6mm) ta có thể chỉnh để trở nên ngắn hơn (tới 0.4mm) để có thể bấm ‘nông’ hơn.
Tính năng này hướng tới các game thủ, cho phép các thao tác trong game được thực hiện nhanh hơn. Ví dụ trong game FPS, ta có thể ‘lướt’ qua các phím để nhân vật di chuyển, thay vũ khí thay vì phải nhấn thật sâu xuống, đem lại lợi thế so với đối thủ. Ngược lại, trong lúc làm việc thì có thể tắt tính năng này nhanh bằng nút Game Mode, đưa vị trí kích hoạt phím về mặc định để tránh gây typo khi gõ văn bản.
Vẫn là một bộ bàn phím với phần khung bằng nhựa, K70 Pro TKL không thể tạo ra được âm thanh ‘chắc, đanh’ hoàn toàn được như những bộ bàn phím vỏ kim loại. Tuy vậy phần plate kim loại cũng như hệ thống 2 tấm foam giảm âm ở bên trong cũng đã giúp phím loại bỏ được tiếng ‘lọc xọc’, có thể sử dụng được ở môi trường văn phòng yên tĩnh rồi.