Nữ TikToker kéo cả trẻ em làm nội dung độc hại
Mạng xã hội nói chung và nền tảng TikTok nói riêng thời gian gần đây trở thành “sân khấu” cho nhiều người sáng tạo nội dung cũng như thể hiện mình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập về nội dung xuất hiện trên nền tảng phổ biến này.
Vốn là một TikToker nổi tiếng, có gần 2,5 triệu người theo dõi kênh, T.C thu hút sự chú ý mỗi lần ra clip. Nội dung của cô nàng xoay quanh cuộc sống gia đình, hoạt động giải trí giữa các thành viên trong nhà. Song hai clip mới nhất của cô lại khiến người xem “choáng váng” bởi nội dung có phần dung tục.
Theo đó, lấy bối cảnh là một quán karaoke, sử dụng một bài nhạc chế, T.C và các em của mình diễn cảnh tái hiện lời bài hát:
“Gọi nhân viên lên đây,
Kiếm em nào sexy
Cầm thêm chai Whisky
Nhớ bonus thêm một manly
Dạ thôi thôi anh ơi
Kèo này em nào có dám chơi
Ngồi im đi ông
Ông không chơi thì để người khác chơi
Dạ nhân viên em đây
Bé này nhìn rất tây
Giọng hát cũng ngất ngây
Điện và nước cứ gọi là đong đầy”…
Video này không chỉ vi phạm đến các chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của trẻ em. Nội dung dung tục càng nguy hiểm hơn khi nó có thể tác động đến quá trình phát triển lành mạnh của trẻ. Ở thời điểm hiện tại, trẻ em không hiểu hết được hậu quả của việc tiêu thụ và chia sẻ loại nội dung này nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc giáo dục giới trẻ sau này.
Các nền tảng mạng xã hội đã và đang nỗ lực tạo ra chính sách để hạn chế nội dung không phù hợp, nhưng vẫn là thách thức lớn
Bên cạnh những video được đầu tư thực hiện và chăm chút một cách cẩn thận, không kém phần chuyên nghiệp cả nội dung lẫn các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh… nhiều TikToker lại tìm cách “câu view” bằng những sản phẩm có nội dung độc hại, nhảm nhí…. So với những video được đầu tư và chăm chút một cách chuyên nghiệp, những video “bẩn” thường không phải đầu tư quá nhiều về mặt kiến thức, không tốn nhiều thời gian xử lý video… nên rất dễ thực hiện và được nhiều TikToker lựa chọn.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: cơ quan quản lý, nhà sáng tạo nội dung, cộng đồng người dùng,… thì vấn đề hạn chế nội dung không phù hợp mới hiệu quả. Tại đây, người lớn cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội một cách an toàn. Sự giám sát này không chỉ bao gồm việc kiểm tra hoạt động của trẻ trên mạng, mà còn phải kết hợp với việc giáo dục bảo vệ bản thân trước thông tin không lành mạnh.
Mỗi người, từ người sáng tạo, người xem cho đến những người điều hành nền tảng, đều cần có trách nhiệm với những nội dung mình tạo ra, để bảo vệ sự an toàn và tạo dựng môi trường mạng lành mạnh cho mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Theo Đời Sống Pháp LuậtCopy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/choang-vang-voi-video-cua-nu-tiktoker-24-trieu-follow-keo-ca-tre-em-lam-noi-dung-dung-tuc-a481738.html