Monday, January 27, 2025

Hiện tượng chưa từng có xảy ra tại nhà máy điện lớn nhất miền đông Trung Quốc, công nhân quần quật 10 ngày đêm để giải quyết: Tín hiệu cảnh báo toàn cầu

Share

Hiện tượng chưa từng có xảy ra tại nhà máy điện lớn nhất miền đông Trung Quốc, công nhân quần quật 10 ngày đêm để giải quyết: Tín hiệu cảnh báo toàn cầu- Ảnh 1.

Cụ thể, tại Nhà máy điện Zheneng Jiaxing ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, các nhóm công nhân làm việc luân phiên theo ca để dọn sạch hàng triệu con sứa tràn vào hệ thống làm mát của nhà máy. Chúng khiến hoạt động của nhà máy phải dừng lại.

Ngay cả sau khi dọn hơn 150 tấn, số lượng sứa mắc vào hệ thống vẫn không có dấu hiệu chậm lại. Các bao tải sứa chất đống, toả mùi tanh nồng. Trong khi đó, các công nhân phải nhặt từng con sứa khỏi lưới lọc bằng tay, khiến tiến độ chậm chạp.

Phó Giám đốc bộ phận bảo trì của nhà máy Xi Chao nói với đài CCTV vào ngày 29/9: “Trong lịch sử 30 năm của nhà máy, chúng tôi chưa từng gặp vấn đề này”.

Cuộc “khủng hoảng” chưa từng có

Loài sứa đỏ có tên khoa học Rhopilema esculentum vốn là món ngon được ưa chuộng tại châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Năm nay, truyền thông Trung Quốc cho biết là năm “bội thu chưa từng có trong nhiều thập kỷ” khi loài này xuất hiện dọc khắp các vùng ven biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với Nhà máy điện Zheneng Jiaxing, đây không phải là tin tốt.

Ngày 18/9, một lượng lớn sứa đã tràn vào trạm bơm tuần hoàn của nhà máy. Đây là nơi hút nước để làm mát máy phát điện. Những con sứa bám chặt vào các bộ lọc đang quay, làm tắc nghẽn đường ống, khiến hệ thống quá tải và cuối cùng làm tắt máy phát điện.

Sau đó, ông Xi cho biết hơn 100 đợt sửa chữa đã được tiến hành khẩn trương để giải quyết các sự cố liên quan đến sứa.

Hiện tượng chưa từng có xảy ra tại nhà máy điện lớn nhất miền đông Trung Quốc, công nhân quần quật 10 ngày đêm để giải quyết: Tín hiệu cảnh báo toàn cầu- Ảnh 2.

Các công nhân đang giải quyết đàn sứa không ngừng làm tắc nghẽn hệ thống làm mát của nhà máy tại Trung Quốc. Nguồn: WeChat

Không riêng Zheneng Jiaxing, vào tháng 8, hai nhà máy điện ở Thượng Hải cũng phải đối mặt với tình trạng sứa xâm lấn. Thậm chí trên toàn cầu, các quốc gia ven biển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng đã phải vật lộn với tình trạng tương tự trong ba thập kỷ qua.

Các chuyên gia cho biết sự bùng nổ số lượng sứa là tín hiệu cho thấy những thay đổi của môi trường. Tình trạng nước biển bị ô nhiễm do dư thừa dinh dưỡng (hàm lượng nitơ và photpho cao vượt ngưỡng) khiến tảo nở hoa và điều kiện oxy thấp. Đây là môi trường có lợi cho sứa. Ngoài ra, việc đánh bắt quá mức làm giảm các loài thiên địch của sứa, cho phép chúng phát triển mạnh và lan rộng.

Sao không ăn chúng?

Tin tức về cuộc “khủng hoảng sứa” tại nhà máy điện Trung Quốc trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội, thu hút hơn 41,69 triệu lượt xem trên Weibo.

Nhiều cư dân mang thắc mắc tại sao không ăn chúng, vì chúng vốn được chế biến thành những món ăn ngon như nộm sứa. Trớ trêu thay, số lượng sứa gom được từ nhà máy có thể làm ra ít nhất 300.000 suất ăn nhưng chúng lại bị chất đống trong các bao tải mà không kịp đem đi xử lý.

Ông Xi phó giám đốc nhà máy giải thích rằng họ không chắc liệu loài sứa làm tắc nghẽn nhà máy có hoàn toàn ăn được hay không. Vì ngoài loài sứa ăn được, biển Trung Quốc còn có sứa mặt trăng (Aurelia aurit) và sứa bờm sư tử (Cyanea). Hai loại sứa này không có giá trị ẩm thực và thường bị coi là loài xâm lấn.

Một vấn đề toàn cầu

Trong vài thập kỷ qua, số lượng sứa bùng nổ trở thành một thách thức toàn cầu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nhà máy điện trên toàn thế giới.

Cựu Giám đốc Sun Song của Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã nghiên cứ về sứa từ năm 2005. Ông giải thích: “Trên thực tế, mọi nhà máy điện trên toàn thế giới đều từng bị sứa tấn công vào một thời điểm nào đó. Đây là vấn đề toàn cầu”.

Ông nhấn mạnh rằng các nhà máy điện hạt nhân đặc biệt dễ bị tổn thương. Không dễ dừng hoạt động như nhà máy điện than, các lò phản ứng hạt nhân cần quá trình tắt dần dần. Nếu sứa làm tắc đường ống, mất nước làm mát, các lò phản ứng có nguy cơ quá tải nhiệt và nổ tung.

Ngoài các nhà máy điện, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng. Du khách tắm biển thường xuyên bị sứa đốt. Chỉ riêng trong mùa hè năm ngoái, Hàn Quốc đã ghi nhận khoảng 2.900 trường hợp bị sứa đốt.

Hiện tượng chưa từng có xảy ra tại nhà máy điện lớn nhất miền đông Trung Quốc, công nhân quần quật 10 ngày đêm để giải quyết: Tín hiệu cảnh báo toàn cầu- Ảnh 3.

Một công nhân đang cầm một con sứa Rhopilema esculentum tại một nhà máy chế biến thực phẩm ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Nguồn:VCG

Ngăn chặn “cơn sóng thần” sứa

Như đã giới thiệu ở trên, sứa là loài có khả năng thích nghi cao với môi trường khắc nghiệt. Nhà nghiên cứu Sun Song cho biết loài sứa hoa đào (Craspedacusta sowerbii) tồn tại trong 550 triệu năm là một ví dụ điển hình.

Ông Sun nói với Sixth Tone rằng cả sứa và cá đều dựa vào sinh vật phù du để làm thức ăn, nhưng tình trạng đánh bắt quá mức làm cạn kiệt nguồn cá, tạo cơ hội cho sứa thống trị các hệ sinh thái. Ngoài ra, tình trạng phú dưỡng cản trở sự sống của cá nhưng lại có lợi cho loài sứa.

Sứa cũng có vòng đời độc đáo. Trước khi trở thành loài trôi nổi tự do, chúng tồn tại dưới dạng các polyp bám vào đáy biển. Những polyp này có thể nằm im trong nhiều năm, sinh sản vô tính cho đến khi điều kiện nước thuận lợi kích hoạt sự bùng nổ số lượng.

Vì thế, toàn thế giới đang nỗ lực không ngừng nghỉ để quản lý và giảm thiểu nguy cơ do sứa gây ra. Năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đề xuất sử dụng động vật phù du làm mồi nhử để định vị và cạo sạch các vùng polyp của sứa. Tại Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát triển “kẻ hủy diệt sứa” là một robot có khả năng phát hiện và tiêu diệt loài sinh vật này.

Tại Vương quốc Anh, công nghệ máy bay không người lái được sử dụng để theo dõi và báo hiệu chuyển động của sứa hướng đến các nhà máy điện. Một nhà máy điện ở Nhật Bản đã áp dụng một phương pháp mới, lắp đặt thêm các ống dẫn khí để tạo ra các bong bóng chuyển hướng sứa khỏi các ống dẫn nước.

Tuy nhiên, ông Sun thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông nói: “Thực ra chúng ra biết về đáy biển ít hơn về mặt trăng”.

Tham khảo Sixthtone

Read more

Local News