Sunday, January 26, 2025

Bí ẩn dòng sông nước sôi tử thần ở Amazon: Nhiệt độ gần 100°C, có thể luộc chín mọi sinh vật chỉ trong tích tắc nếu lỡ rơi vào

Share

Câu chuyện về ‘dòng sông nước sôi’ giữa rừng già Amazon từng là một truyền thuyết gây tò mò. Theo lời kể, những người Conquistador háo vàng đã chạm trán với một dòng nước sôi bốc hơi ngùn ngụt giữa lòng rừng rậm. Điều bất ngờ là truyền thuyết này lại chứa đựng một phần sự thật đáng kinh ngạc.

Shanay-timpishka: Huyền thoại có thật

Dòng sông nước sôi Shanay-timpishka, hay còn được gọi là La Bomba hoặc “Dòng sông sôi,” là một hiện tượng thiên nhiên độc nhất vô nhị đã được các cộng đồng bản địa Amazon biết đến từ nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, sự tồn tại của nó từng bị nghi ngờ bởi các học giả, chính quyền và cả ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. Lý do là bởi nước nóng thường chỉ xuất hiện ở các suối nước nóng liên quan đến hoạt động núi lửa, trong khi khu vực Amazon hoàn toàn không có núi lửa – điểm núi lửa gần nhất cách dòng sông này hơn 700 km.

Bí ẩn dòng sông nước sôi tử thần ở Amazon: Nhiệt độ gần 100°C, có thể luộc chín mọi sinh vật chỉ trong tích tắc nếu lỡ rơi vào- Ảnh 1.

Phải đến năm 2011, Shanay-timpishka mới được nghiên cứu khoa học lần đầu tiên bởi nhà địa nhiệt học Andrés Ruzo. Được ông nội kể về dòng sông từ thời thơ ấu và được dì của mình – người quen biết với vợ của một vị phù thủy người bản địa bảo vệ dòng sông – dẫn đường, Ruzo đã có cơ hội tận mắt chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này.

Trong bài thuyết trình tại sự kiện TED Talk vào năm 2014, Ruzo tiết lộ rằng dòng sông nước sôi Shanay-timpishka dài khoảng 6,24 km với nhiệt độ trung bình lên tới 86˚C. Nguồn nước ban đầu là một dòng suối lạnh, nhưng khi chảy qua một suối nước nóng dưới một tảng đá có hình đầu rắn, nước đột ngột trở nên nóng bỏng. Theo truyền thuyết địa phương, “mẹ” của dòng sông là linh hồn một con rắn khổng lồ, sinh ra cả nước nóng và nước lạnh.

Mối nguy hiểm không khoan nhượng

Ruzo đã nhận được sự cho phép từ các thầy phù thủy bản địa để nghiên cứu dòng sông nước sôi, với điều kiện ông phải đổ lại nước đã lấy mẫu xuống đất để “nước tìm đường về nhà.” Nhưng không chỉ con người, cả động vật cũng không tránh khỏi nguy hiểm khi tiếp xúc với dòng sông nước sôi này. Ruzo kể rằng ông từng chứng kiến nhiều loài vật rơi vào dòng sông và bị nấu chín từ bên trong.

“Khi chúng rơi xuống, mắt là bộ phận đầu tiên bị nấu chín, chuyển thành màu trắng đục. Chúng cố gắng bơi ra, nhưng thịt đã chín trên xương khiến chúng dần mất sức,” ông mô tả. “Cuối cùng, nước nóng tràn vào miệng, và chúng bị nấu chín từ trong ra ngoài.”

Qua nghiên cứu, Ruzo phát hiện rằng nhiệt độ của dòng sông nước sôi Shanay-timpishka không phụ thuộc vào hoạt động núi lửa. Thay vào đó, một giả thuyết cho rằng nước sông bắt nguồn từ các dòng băng tan từ dãy Andes. Sau khi ngấm sâu xuống lòng đất và được làm nóng bởi năng lượng địa nhiệt, nước trồi lên mặt đất tại Amazon. Dù vậy, cơ chế chính xác của hiện tượng này vẫn là một bí ẩn.

Cũng như phần lớn rừng Amazon, khu vực quanh dòng sông nước sôi Shanay-timpishka đang đối mặt với mối đe dọa từ các hoạt động khai thác gỗ, chăn thả gia súc và khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ruzo bày tỏ hy vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ thúc đẩy chính phủ Peru bảo vệ dòng sông này.

“Với các thầy phù thủy, đây là một nơi linh thiêng. Với nhà khoa học, đây là một hiện tượng địa nhiệt độc nhất. Nhưng với những kẻ khai thác gỗ và nông dân chăn thả, đây chỉ là một tài nguyên để bóc lột. Mục tiêu của tôi là đảm bảo rằng bất kỳ ai kiểm soát vùng đất này đều hiểu được sự độc đáo và ý nghĩa của dòng sông nước sôi.”

Read more

Local News