Loạt vật thể mới được phát hiện là những tiểu hành tinh có kích thước cỡ một chiếc xe buýt cho đến một sân vận động. Đáng chú ý, một số trong chúng đang lao về phía Trái Đất.
Chúng nằm trong một quần thể đông đúc gọi là ” Vành đai tiểu hành tinh “, nằm giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc.
Kính viễn vọng không gian James Webb truy tìm các vật thể gần Trái Đất bằng cách lợi dụng ánh sáng từ một ngôi sao xa xôi – Ảnh minh họa: Ella Maru và Julien de Wit
Theo Live Science, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi PGS Julien de Wit, nhà khoa học hành tinh từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ) đã thử nghiệm một phương pháp tính toán chuyên sâu nhằm phát hiện các vật thể nhỏ bé thông qua các ngôi sao xa xôi.
Họ đã phân tích hàng ngàn hình ảnh từ James Webb chụp ngôi sao TRAPPIST-1 cách Mặt Trời 40 năm ánh sáng để tìm kiếm các vật thể ngay trong hệ Mặt Trời vô tình bay ngang tầm nhìn từ Trái Đất đến ngôi sao đó.
Kết quả là họ đã ghi nhận được 8 vật thể đã biết và 138 vật thể chưa từng được biết đến trước đây.
Trong số đó, 6 vật thể dường như đã bị các hành tinh gần đó đẩy vào quỹ đạo hấp dẫn sẽ đưa chúng hướng thẳng về Trái Đất.
Những tiểu hành tinh được gọi là “decameter” này va chạm với Trái Đất thường xuyên hơn 10.000 lần so với các tiểu hành tinh lớn hơn, nhưng kích thước nhỏ của chúng khiến các cuộc khảo sát khó có thể phát hiện ra chúng trước cú tiếp cận.
Chúng nhỏ bé hơn rất nhiều so với Chicxulub – siêu vật thể khiến loài khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước – nhưng vẫn có sức công phá đáng kể.
Chỉ 1 thập kỷ trước, một tiểu hành tinh có bề ngang chỉ vài chục mét đã phát nổ trên bầu trời TP Chelyabinsk – Nga và giải phóng năng lượng lớn hơn 30 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima.
Vụ nổ này tuy xảy ra ở vị trí rất cao nhưng sóng xung kích từ nó đủ phá vỡ hàng ngàn cửa kính trong khắp thành phố và khiến gần 1.200 người bị thương.
Vì vậy, các vật thể vừa được phát hiện là hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của các sứ mệnh phòng thủ Trái Đất mà NASA và các cơ quan vũ trụ khác đang theo đuổi.