Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chế tạo thành công cánh tay robot mang tên SpiRobs, có thể di chuyển linh hoạt theo chiều xoắn ốc và nâng những vật nặng gấp hàng trăm lần trọng lượng của chính nó.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Device, bằng cách sử dụng các kỹ thuật đảo ngược mô phỏng các cấu trúc linh hoạt hình xoắn ốc có trong tự nhiên như vòi voi, vòi bạch tuộc, đuôi tắc kè…, các nhà nghiên cứu đã khiến cho SpiRobs có khả năng uốn cong linh hoạt. Nhờ vậy, SpiRobs có thể thực hiện các thao tác cầm nắm tinh vi thông qua một loạt chuyển động, bao gồm quay tròn, kéo dài, quấn và nắm chặt, với tỷ lệ thành công lên tới gần 95%.
Cánh tay robot này còn có thể nắm chặt các vật thể có đường kính lớn hơn hai cấp độ và thậm chí chịu được tải trọng gấp 260 lần trọng lượng của chính nó.
Cảm hứng và nguyên lý thiết kế của cánh tay robot SpiRobs (Ảnh: Device)
Trong video giới thiệu, SpiRobs đã thể hiện khả năng ấn tượng như dễ dàng cầm nắm các vật thể mỏng manh như trứng hay dâu tây, bắt một quả bóng tennis bay đến hay làm nảy một quả bóng bàn lên bằng một cú đánh nhẹ, chính xác. Trong thử nghiệm thực địa, cánh tay robot được gắn vào thiết bị bay không người lái đã khéo léo quấn vào quai và nâng một xô nước lên.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ in 3D với các vật liệu giá cả phải chăng như polyurethane, nhựa và giấy để sản xuất các nguyên mẫu ở nhiều quy mô khác nhau, từ cm đến m, nhằm chứng minh tiềm năng thương mại của sản phẩm này.
Kỹ sư Zhanchi Wang – một thành viên của nhóm nghiên cứu – cho rằng, sự ra đời của SpiRobs là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực robot hóa. Với khả năng linh hoạt, tiềm năng ứng dụng đa dạng và chi phí sản xuất hợp lý, SpiRobs hứa hẹn sẽ trở thành một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực tương lai.
Khả năng ứng dụng đa dạng của SpiRobs được kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp và y tế.