Theo trang Date and Time , đêm cực đại của trận mưa sao băng đầu tiên trong năm 2025 – Quadrantids – sẽ rơi vào đêm 3-1, rạng sáng 4-1 nếu quan sát từ Việt Nam.
Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn trong năm. Đêm cực đại năm nay, dự kiến khoảng 80 ngôi sao băng sẽ xuất hiện mỗi giờ.
Một trận mưa sao băng theo góc nhìn từ Mỹ – Ảnh: NASA
Quadrantids cũng nằm trong số những cơn mưa sao băng hiếm hoi không có nguồn gốc từ đuôi sao chổi, mà từ một tiểu hành tinh mang tên 2003 EH1 .
Theo NASA, 2003 EH1 được phát hiện vào năm 2003 và có đường kính chỉ 3 km, mất 5,52 năm để quay quanh Mặt Trời.
Nó cũng có thể là một “sao chổi chết” hoặc “sao chổi đá”, hơi khác biệt so với tiểu hành tinh bình thường ở chỗ có một chiếc đuôi đá bụi mỏng.
Điều này cũng đem lại sự thú vị đặc biệt cho Quadrantids: Sao băng Quadrantids được NASA gọi là “thiên thạch cầu lửa”, vốn to, sáng, tồn tại lâu hơn các vệt sao băng bình thường.
Lý do là các mảnh vụn từ tiểu hành tinh 2003 EH1 vốn lớn hơn các mảnh vụn thường hiện diện trong đuôi các sao chổi.
Thông thường, mưa sao băng được đặt tên gần giống với tên chòm sao mà nó xuất phát. Nhưng nếu xem xét bản đồ thiên văn, bạn sẽ không thể tìm thấy chòm sao nào có tên gần giống Quadrantids.
Bởi lẽ, nơi bắt nguồn của cơn mưa sao băng này là một “thế giới đã mất” mang tên Quadrans Muralis .
Nhà thiên văn học người Pháp Jerome Lalande đã gọi tên chòm sao này vào năm 1795, nhưng khi Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) lập danh sách các chòm sao hiện đại vào năm 1922, Quadrans Muralis đã bị loại khỏi danh sách.
Vì vậy, để định vị nơi các quả cầu lửa phát ra, bạn nên tìm kiếm các chòm sao Mục Phu (Bootes) hình người chăn bò và Thiên Long ( Draco ) hình con rồng. Mưa sao băng sẽ phát ra từ vị trí chính giữa hai chòm sao này.
Vị trí các ngôi sao băng Quadrantids phát ra (radiant) sẽ nằm giữa các chòm sao Thiên Long (Draco), Mục Phu (Bootes). Quanh đó còn có các chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) và Vũ Tiên (Hercules) – Ảnh: HIỆP HỘI THIÊN VĂN HOÀNG GIA ANH
Những ngôi sao băng đầu tiên của Quadrantids thực ra đã rơi rải rác từ ngày 28-12-2024 và sẽ còn kéo dài tận ngày 12-1-2025.
Mặc dù vậy, số sao băng những đêm sau sẽ giảm dần. Năm nay cũng không phải là năm bùng nổ của Quadrantids.
Theo NASA, lượng sao băng Quadrantids thường có biến động lớn qua các năm, có năm chỉ 60 ngôi sao băng mỗi giờ trong đêm cực đại, có năm lại tới 200 ngôi sao băng mỗi giờ.