Có thể bạn đã nghe nhiều truyền thuyết kể về những nữ tướng trên thế giới. Từ nữ hoàng Ahhotep II của Ai Cập, tướng quân Hoa Mộc Lan của Trung Quốc cho đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu của Việt Nam… phụ nữ được xác nhận là có tham gia vào các cuộc chiến tranh thời cổ đại.
Truyền thuyết và dã sử thì có nhiều, tuy nhiên, bằng chứng khảo cổ trực tiếp chứng minh vai trò của phụ nữ trong những cuộc chiến tranh thời cổ đại thì cực kỳ hiếm.
Phải cho tới một đợt khai quật khảo cổ mới được thực hiện gần đây ở Châu Âu, các nhà khoa học mới lần đầu tiên tìm thấy hài cốt được cho là của một nữ chiến binh sống cách chúng ta 1.000 năm ở Châu Âu.
Nếu vậy, đây là hài cốt đầu tiên xác nhận hình ảnh của một nữ chiến binh, trực tiếp chứng minh sự tồn tại của họ trong quá khứ. Rõ ràng, trận mạc không phải là việc riêng của cánh mày râu, và một khi giặc đã đến nhà thì đàn bà cũng sẽ đánh.
Phát hiện mới được báo cáo bởi các nhà khảo cổ học tại Đại học Szeged ở Hungary. Trong đó, họ đã khai quật một nghĩa trang cổ bao gồm 262 ngôi mộ ở miền đông nước này.
Khu vực khai quật thường được gọi là địa điểm Sárrétudvari–Hízóföld nằm ở lưu vực Carpathian, nơi diễn ra các trận đánh của người Hungary vào thế kỷ thứ 10, khi mà họ bắt đầu bình định vùng Trung Âu.
Trước đó, khu vực này được cai trị bởi 3 đế chế thời trung cổ, bao gồm Đế chế Bulgaria, Đế chế Francia và Đế chế Moravia. Trong thế kỷ thứ 8, người Hungary chỉ sống ở phía ngoài lưu vựa, bên kia dãy núi Carpathian và bị các đế chế coi như nước chư hầu. Thi thoảng, họ sẽ thuê kỵ binh Hungary tham gia vào các cuộc chiến tranh giành đất đai giữa 3 đế chế.
Nhưng sang đến thế kỷ thứ 9, người Hungary đã mạnh dần lên. Họ bắt đầu vượt dãy Carpathian, tấn công và tiêu diệt hoàn toàn Đế chế Moravia. Các vùng đất của Moravia sau đó đã trở thành bàn đạp để người Hungary tiêu diệt 2 đế chế còn lại, bình định toàn bộ vùng lưu vực Carpathian vào thế kỷ thứ 10.
Sang đến những năm 1.000, toàn bộ lưu vực đã thống nhất dưới lá cờ của một vương quốc duy nhất mang tên Hungary. Và cuộc bình định Trung Âu này hóa ra có sự tham gia của cả các nữ chiến binh, theo phát hiện từ nghiên cứu mới.
Trong khi khai quật một quần thể gồm 262 ngôi mộ ở Sárrétudvari–Hízóföld, nhà nhà khoa học người Hungary đã phát hiện ra trong ngôi một số 63 là một hài cốt hết sức đặc biệt. Chủ nhân ngôi mộ được xác định là phụ nữ, nhưng lại được mai táng cùng với một bộ cung tên làm từ gạc nai, một ống tên vỡ và rất nhiều mũi tên xuyên giáp.
Như giáo sư Balázs Tihanyi, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Szeged giải thích, trong các nền văn hóa cổ ở Châu Âu, chỉ có các chiến binh là nam giới mới được mai táng cùng vũ khí, thường bao gồm cung tên, rìu hoặc kiếm.
Ngược lại, các ngôi mộ của phụ nữ thường chỉ có đồ trang sức như vòng, nhẫn, chuỗi hạt và quần áo được mai táng kèm. Hãn hữu lắm thì mới có dao hoặc dùi. Chưa từng có bất kỳ hài cốt phụ nữ nào được tìm thấy với cung tên như trong trường hợp này.
Theo phong tục, đồ tùy táng thường là những món đồ gắn bó cả đời với người chết. Vì vậy, các nhà khảo cổ đã phải đặt câu hỏi: Liệu đây có phải chiếc cung tên đã theo vị chủ nhân này cả đời hay không, và cô ấy thực chất là một nữ chiến binh, thậm chí là nữ tướng quân.
Trong quá khứ, việc xác định giới tính của một hài cốt có niên đại hàng ngàn năm chỉ được thực hiện bằng xét nghiệm hình thái. Nhưng bây giờ, các kỹ thuật phân tích DNA đã cho phép các nhà khoa học khẳng định được giới tính của người đã khuất.
Cụ thể với trường hợp của bộ xương số 63, nó đã bị phân hủy khá mạnh, với cấu trúc xương sọ gần như không còn có thể nhìn thấy khuôn mặt. Do đó, các nhà khoa học không thể đưa ra ước tính về độ tuổi hoặc tình trạng sức khỏe của người phụ nữ này trước khi chết. Nhưng các phân tích DNA đã tiết lộ cô ấy là một phụ nữ.
Có thêm bằng chứng cho thấy người phụ nữ này bị loãng xương, một dấu hiệu cho thấy cô ấy đã già. Và đặc biệt, cấu trúc xương tiết lộ một bên hông phải của cô ấy bị lệch, phù hợp với các hài cốt chiến binh là nam giới khác, khi phải cưỡi ngựa và mang theo vũ khí trong thời gian dài.
Trên cơ thể người phụ nữ này cũng có 3 chấn thương tương đối nghiêm trọng được phát hiện, với xương chưa lành hẳn.
Tất cả những điều này gợi ý đến kết luận cuối cùng rằng người phụ nữ trong ngôi mộ số 63 là một nữ chiến binh Hungary, thậm chí còn là một nữ tướng ngoan cường, sống sót qua trận mạc và chỉ qua đời khi tuổi đã già.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn còn khá thận trọng khi đưa ra kết luận cuối cùng. Họ cho biết phát hiện cần được củng cố bởi các bằng chứng khảo cổ khác, vì dụ như văn bản hoặc truyền thuyết về những nữ tướng hoặc nữ chiến binh Hungary trong thế kỷ 10 sau Công nguyên.
Rất tiếc, các bằng chứng này hiện đang thiếu vắng.
Trong nhiều nền văn hóa khác, câu chuyện của các nữ chiến binh thường được ghi lại trong sách sử, các tác phẩm nghệ thuật và qua lời truyền miệng.
Ví dụ như hình ảnh của nữ tướng Triệu Thị Trinh, còn được gọi là Bà Triệu, sống ở thế kỷ thứ 3 ở Việt Nam, người đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy của người Việt ở Giao Chỉ, chống lại ách thống trị của vua Tôn Quyền ở Đông Ngô, thời Tam Quốc.
Trước đó, người Việt cũng có 2 nữ tướng nổi tiếng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, còn được gọi là Hai Bà Trưng sống ở thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.
Hai Bà Trưng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại sự cai trị của người Hán. Mặc dù lăng mộ của cả Hai Bà Trưng và Bà Triệu vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, nhưng hài cốt của các Bà không bao giờ được tìm thấy.