Đài NDTV (Ấn Độ) ngày 10/1 đưa tin, vài tuần sau khi công bố kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới ở Tây Tạng, Trung Quốc lại công bố một dự án đầy tham vọng khác nhằm khai thác năng lượng mặt trời.
Theo một bài báo trên tờ South China Morning Post (SCMP), dự án này đã được nhà khoa học tên lửa nổi tiếng của Trung Quốc Long Lehao phác thảo.
Theo đó, Trung Quốc sẽ triển khai một tấm pin năng lượng mặt trời khổng lồ rộng 1 km trên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000 km, nơi nó có thể thu thập năng lượng mặt trời liên tục, không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ ngày – đêm của hành tinh hoặc điều kiện thời tiết.
Hơn nữa, cường độ ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt trong không gian lớn hơn nhiều so với cường độ ánh sáng mặt trời chiếu tới bề mặt Trái đất.
Nhà khoa học Long ví tiềm năng sản xuất năng lượng của dự án này giống như Đập Tam Hiệp – hiện đang sản xuất khoảng 100 tỷ kWh điện mỗi năm.
“Hiện tại chúng tôi đang triển khai dự án này. Nó có ý nghĩa quan trọng như việc di chuyển Đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái đất 36.000 km. Đây là một dự án kinh ngạc đáng để chờ đợi”, ông Long cho biết.
“Năng lượng thu được trong một năm sẽ tương đương với tổng lượng dầu có thể khai thác từ Trái đất”, ông nói thêm.
SMCP đưa tin, quy mô của dự án đòi hỏi phải phát triển và triển khai các tên lửa siêu nặng, điều này có nghĩa là năng lực công nghệ vũ trụ của Trung Quốc sẽ phải có những bước nhảy vọt trong những năm tới.
Tên lửa hạng nặng có thể tái sử dụng Long March-9 (CZ-9) do nhóm của ông Long phát triển đang được chào hàng là phương tiện phóng cho dự án.
“Trong khi CZ-5 cao khoảng 50 mét, CZ-9 sẽ cao tới 110 mét. Một trong những ứng dụng chính của tên lửa này sẽ là xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian”, chuyên gia Long cho biết.
Đáng chú ý, CZ-9 có thể mang tới 150 tấn hàng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (khu vực không gian vũ trụ nằm dưới độ cao 2.000 km), vượt qua tên lửa đẩy hạng nặng Saturn V và Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA có sức chứa 130 tấn.
Theo NDTV, mặc dù dự án của nhà khoa học Long có vẻ giống như trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, nhưng đây không phải là lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra.
Các trạm năng lượng mặt trời trong không gian thu thập năng lượng từ Mặt trời trên quỹ đạo Trái đất và truyền xuống mặt đất được cộng đồng quốc tế gọi là “Dự án Manhattan” của ngành năng lượng. Ý tưởng này đã được thảo luận trong giới khoa học trong nhiều thập kỷ qua.
Theo chuyên trang công nghệ Interesting Engineering, tại Mỹ, các công ty như Lockheed Martin và Northrop Grumman đang tích cực phát triển công nghệ năng lượng mặt trời trong không gian.
Hơn nữa, Viện Công nghệ California đã tham gia nghiên cứu và phát triển lĩnh vực liên quan đến năng lượng mặt trời trong không gian, góp phần vào những tiến bộ trong các công nghệ quan trọng.
Điều thú vị là Nhật Bản cũng đang có kế hoạch thử nghiệm trạm năng lượng mặt trời trong không gian của mình vào năm nay.
Còn Trung Quốc đã và đang thử nghiệm các công nghệ quan trọng.
Tháng 6/2021, Trung Quốc đã khởi công xây dựng trạm điện mặt trời không gian thử nghiệm đầu tiên tại Bích Sơn, thành phố Trùng Khánh.
Tháng 11/2023, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Tây An (Trung Quốc) đã công bố kết quả thử nghiệm của “Dự án Chasing Sun” – hệ thống xác minh mặt đất hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới về năng lượng mặt trời từ vũ trụ.
Theo báo cáo, hệ thống này đã chứng minh hiệu suất hàng đầu thế giới về truyền tải điện vi sóng, hiệu suất thu chùm tia và hiệu suất truyền điện.
Tuy nhiên, SCMP nhận định, dự án “Đập Tam Hiệp trong không gian” đầy tham vọng của nhà khoa học Long có thể mất nhiều năm để trở thành hiện thực.