Wednesday, January 22, 2025

Từ thế giới 13 tỉ năm trước, “quái vật” nhắm thẳng Trái Đất

Share

Các nhà khoa học vừa xác định một “quái vật vũ trụ” gây kinh ngạc là VLASS J041009.05-013919.88 (gọi tắt là J0410-0139), một loại vật thể hung dữ gọi là blazar.

Blazar là thuật ngữ dùng để chỉ các quasar (chuẩn tinh) có luồng tia hướng về phía Trái Đất. Chuẩn tinh vốn là các vật thể không phải sao nhưng sáng như sao trên bầu trời.

Từ thế giới 13 tỉ năm trước, "quái vật" nhắm thẳng Trái Đất- Ảnh 1.

Ảnh đồ họa mô tả một blazar với “họng súng” chĩa vào Trái Đất – Ảnh: NASA

Chuẩn tinh vốn có bản chất là một lỗ đen đang ngấu nghiến vật chất, tạo ra một vùng hỗn loạn quanh nó với các cú “ợ hơi” rực sáng.

Blazar vừa được phát hiện cũng vậy: Nó hiện được nuôi dưỡng bởi một lỗ đen quái vật (lỗ đen siêu khối) nặng gấp 700 triệu lần khối lượng Mặt Trời.

Luồng tia từ con quái vật này phát ra hướng về phía Trái Đất, giúp chúng ta có thể quan sát rõ ràng hơn.

Theo Sci-News, việc phát hiện ra J0410-0139 ngụ ý sự tồn tại của một quần thể lớn hơn nhiều các nguồn tia tương tự trong vũ trụ sơ khai.

Những luồng tia này có khả năng thúc đẩy sự phát triển của lỗ đen và ảnh hưởng đáng kể đến thiên hà chủ của chúng.

Các tính toán cho thấy quái vật vũ trụ J0410-0139 đã lộ diện từ vùng vũ trụ tận 13 tỉ năm trước, tức khi vũ trụ mới khoảng 800 triệu tuổi.

Đó là giai đoạn đầu của kỷ nguyên tái ion hóa, bắt đầu khi vũ trụ khoảng 700 triệu tuổi: Khi những ngôi sao và lỗ đen đầu tiên hình thành, chúng biến phần lớn khí hydro trong vũ trụ thành plasma một lần nữa.

TS Eduardo Bañados từ Viện Thiên văn học Max Planck (Đức), đồng tác giả của nghiên cứu về quái vật vũ trụ này, mô tả các phát hiện như “trúng số độc đắc”.

Theo hai bài báo khoa học vừa được công bố trên các tạp chí Nature AstronomyAstrophysical Journal Letters, việc phát hiện ra một lỗ đen 13 tỉ năm tuổi đang hướng luồng tia về phía Trái Đất cho thấy vũ trụ thời kỳ đó có nhiều lỗ đen như thế.

Chúng không được phát hiện bởi lẽ không hướng luồng tia về phía Trái Đất nên quá mờ nhạt để kính viễn vọng đủ sức nắm bắt.

Phát hiện này đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các lỗ đen quái vật lại phát triển nhanh đến vậy trong giai đoạn đầu của vũ trụ.

“Blazar này cung cấp một phòng thí nghiệm độc đáo để nghiên cứu sự tương tác giữa các luồng tia, lỗ đen và môi trường của chúng vào một trong những kỷ nguyên biến đổi nhất của vũ trụ” – TS Emmanuel Momjian từ Đài quan sát Thiên văn vô tuyến quốc gia của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) – cho hay.

Trước đó, kính viễn vọng mạnh nhất thế giới James Webb cũng từng phát hiện ra các thiên hà lớn đến vô lý trong buổi bình minh của vũ trụ này.

Tất cả đặt ra một mối hoài nghi: Vũ trụ sơ khai có lẽ không đơn điệu như những mô hình vũ trụ học được xây dựng nhiều năm qua, mà là một thế giới phát triển cực kỳ nhanh chóng với các siêu quái vật, từ lỗ đen đến thiên hà khổng lồ.

Read more

Local News