Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu từ Đại học Adelaide (Úc) và Trường Mỏ quốc gia Paris (Pháp) đã phát hiện tấm bản đồ 3D bí ẩn được khắc họa trên một phần sàn hầm đá Ségognole 3 ở lưu vực Paris.
Hầm đá Ségognole 3 là một di chỉ thời đại đồ đá cũ, gây chú ý những năm qua với các bản khắc mang hình ảnh hai chú ngựa đứng hai bên biểu tượng “vùng kín” của nữ giới.
Nhà khảo cổ Anthony Milnes từ Đại học Adelaide cho biết thứ họ tìm thấy không phải một bản đồ theo kiểu hiện đại, loại mô tả đường đi, khoảng cách, thời gian di chuyển… mà là sự mô phỏng hoạt động của một cảnh quan.
Trong bản đồ 3D cổ đại này, cảnh quan khu vực quanh đó được mô tả chi tiết với dòng chảy từ vùng cao nguyên vào các suối và sông, sự hội tụ của các thung lũng và sự hình thành các hồ và đầm lầy ở hạ lưu.
“Đối với người dân thời đồ đá cũ, hướng dòng nước chảy và khả năng nhận biết các đặc điểm cảnh quan có lẽ quan trọng hơn các khái niệm hiện đại như khoảng cách và thời gian” – TS Milnes nhận định.
Đáng kinh ngạc hơn, bản đồ 3D này có niên đại lên tới 13.000 năm.
Viết trên tạp chí khoa học Oxford Journal of Archaeology, nhóm tác giả cho rằng phát hiện này cho thấy rõ năng lực trí tuệ, trí tưởng tượng và trình độ kỹ thuật vượt xa tưởng tượng của tổ tiên chúng ta thời kỳ đó.
Bản đồ 3D này được phát hiện nhờ công tác nghiên cứu nguồn gốc đá sa thạch Fontainebleau bên trong nơi trú ẩn cổ xưa này.
Trong quá trình nghiên cứu các cấu trúc bên trong hầm đá, nhóm khoa học gia đã tìm thấy các cấu trúc nhỏ không thể hình thành tự nhiên.
Phân tích kỹ lưỡng hơn xác định đó quả thực do con người tạo nên một cách có chủ ý.
Bản đồ 3D này được cho là để phục vụ cuộc sống của những người định cư ở đó, bao gồm công việc khai thác đá, vốn tận dụng thủy lực.
Ngay cả biểu tượng gây đỏ mặt khiến Ségognole 3 trở nên nổi tiếng cũng liên quan đến mục đích này.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy những người thợ mỏ xa xưa đã khai thác sa thạch bằng cách mô phỏng cấu trúc “vùng tam giác” để mở ra các vết nứt phù hợp cho dòng nước ngấm vào đá sa thạch, nuôi dưỡng dòng chảy theo cách giúp họ khai thác đá dễ dàng hơn.
Hai tác phẩm liên quan đến kỹ năng tận dụng thủy lực này nằm cách nhau chỉ 2-3 m, càng ủng hộ giả thuyết chúng được tạo nên để phục vụ cùng một mục tiêu khai thác đá.
“Khám phá hoàn toàn mới này mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về khả năng của những con người thời kỳ này” – TS Milnes nói.
Trước khám phá này, bản đồ 3D lâu đời nhất được biết đến được cho là một phiến đá lớn di động được người thời đại đồ đồng khắc cách đây khoảng 3.000 năm.
Vì vậy, hiện vật 13.000 năm tuổi ở Pháp chính là tấm bản đồ 3D lâu đời nhất từng được biết đến trên thế giới.