Thursday, February 20, 2025

Số phận của các trạm vũ trụ: Khi những người khổng lồ không gian bước vào tuổi xế chiều

Share

Trong vũ trụ bao la, trạm vũ trụ được xem như những tiền đồn của con người, mở ra cánh cửa cho nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc là hai đại diện tiêu biểu cho tham vọng chinh phục không gian của nhân loại. Tuy nhiên, khi xem xét tuổi thọ của hai công trình vũ trụ này, một sự khác biệt đáng chú ý đã xuất hiện: ISS được xây dựng với mục tiêu hoạt động từ 10 đến 15 năm nhưng đã kéo dài đến 26 năm và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động đến năm 2031. Trong khi đó, trạm vũ trụ Thiên Cung chỉ được thiết kế chỉ với tuổi thọ 10 năm, dù vẫn có tiềm năng tồn tại lâu hơn.

Tại sao lại có sự chênh lệch này? Điều gì sẽ xảy ra với các trạm vũ trụ khi chúng hết hạn sử dụng? Những câu hỏi này không chỉ phản ánh chiến lược không gian của các quốc gia mà còn mở ra viễn cảnh về sự phát triển của các công trình vũ trụ trong tương lai.

Số phận của các trạm vũ trụ: Khi những người khổng lồ không gian bước vào tuổi xế chiều- Ảnh 1.

ISS: Một công trình vượt thời gian nhưng đang dần xuống cấp

ISS là một dự án hợp tác giữa 16 quốc gia, được phóng lên quỹ đạo vào năm 1998 với kế hoạch hoạt động trong khoảng 10-15 năm. Tuy nhiên, nhờ vào các chiến dịch bảo trì và nâng cấp, nó đã kéo dài tuổi thọ lên đến 26 năm và dự kiến tiếp tục hoạt động đến năm 2031.

Tuy nhiên, những dấu hiệu xuống cấp của ISS đã xuất hiện. Các vấn đề như rò rỉ không khí, xuất hiện các vết nứt, và chi phí bảo trì ngày càng cao đang đặt ra thách thức lớn. Theo báo cáo, ISS hiện mất khoảng 1 kg không khí mỗi ngày, đồng nghĩa với việc tiêu tốn nhiều tài nguyên để duy trì hoạt động.

Ngoài ra, với sự tham gia của nhiều quốc gia, việc chia sẻ chi phí vận hành và bảo trì ISS cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là sau khi một số quốc gia tuyên bố rút khỏi dự án. Khi ISS bước vào giai đoạn cuối của vòng đời, những quốc gia con lại vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng về một trạm vũ trụ thay thế, trong khi các dự án trạm vũ trụ thương mại vẫn chưa đạt được độ trưởng thành cần thiết. Điều này có thể khiến không gian vũ trụ rơi vào một “khoảng trống” sau khi ISS ngừng hoạt động.

Số phận của các trạm vũ trụ: Khi những người khổng lồ không gian bước vào tuổi xế chiều- Ảnh 2.

Thiên Cung: Tham vọng của Trung Quốc về một trạm vũ trụ bền vững

Trong khi ISS đang đi đến cuối vòng đời, trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc lại nổi lên như một ứng viên thay thế đầy tiềm năng. Dù chỉ được thiết kế với tuổi thọ 10 năm, nhưng thực tế, Thiên Cung lại có khả năng mở rộng thời gia hoạt động nhờ vào cấu trúc mô-đun linh hoạt, cho phép tháo lắp và thay thế các bộ phận một cách dễ dàng.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ duy trì và nâng cấp trạm vũ trụ này liên tục, thậm chí có thể kéo dài hoạt động của nó đến sau năm 2040. Nếu công nghệ tiếp tục phát triển, Thiên Cung có thể trở thành một trạm vũ trụ “vĩnh viễn” thông qua các hoạt động bảo trì và mở rộng.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Thiên Cung có tiềm năng bền vững là công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang áp dụng. Dựa trên kinh nghiệm từ ISS, trạm vũ trụ này được xây dựng với vật liệu chống ăn mòn và hệ thống dự phòng để tăng độ ổn định. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn quá trình vận hành giúp họ tránh được những tranh cãi về chi phí bảo trì như ISS.

Hiện tại, Thiên Cung đã thu hút sự hợp tác của 17 quốc gia trong các dự án nghiên cứu khoa học, cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc biến trạm vũ trụ này thành trung tâm nghiên cứu quốc tế thay thế ISS trong tương lai.

Số phận của các trạm vũ trụ: Khi những người khổng lồ không gian bước vào tuổi xế chiều- Ảnh 3.

Điều gì sẽ xảy ra khi trạm vũ trụ hết vòng đời?

Khi trạm vũ trụ đạt đến giới hạn sử dụng, các phương án xử lý sẽ được xem xét để đảm bảo an toàn. Đối với ISS, kế hoạch ngừng hoạt động đã được vạch ra: vào năm 2031, ISS sẽ được đưa ra khỏi quỹ đạo một cách có kiểm soát và rơi xuống Nam Thái Bình Dương, nơi có diện tích rộng lớn và ít gây nguy hiểm cho con người.

Trong khi đó, Thiên Cung có một hướng đi khác. Trung Quốc đang tập trung vào việc duy trì hoạt động của trạm vũ trụ này thông qua việc thay thế mô-đun, nâng cấp thiết bị và bổ sung nhiên liệu. Nếu kế hoạch này thành công, Thiên Cung có thể tồn tại lâu dài mà không cần phải rời quỹ đạo như ISS.

Trong trường hợp không thể duy trì, Trung Quốc cũng sẽ áp dụng quy trình kiểm soát rời quỹ đạo để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với tham vọng không gian ngày càng mở rộng, họ có thể sẽ ưu tiên phương án duy trì hoạt động lâu dài.

Số phận của các trạm vũ trụ: Khi những người khổng lồ không gian bước vào tuổi xế chiều- Ảnh 4.

Khi ISS dần nghỉ hưu, Thiên Cung có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất còn hoạt động trong không gian. Điều này không chỉ giúp Trung Quốc củng cố vị thế trong lĩnh vực vũ trụ mà còn tạo cơ hội hợp tác với nhiều quốc gia khác.

Hơn nữa, kinh nghiệm vận hành Thiên Cung cũng sẽ đặt nền móng cho các dự án khám phá không gian sâu hơn, bao gồm việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và thực hiện các sứ mệnh liên hành tinh. Các công nghệ như hệ thống hỗ trợ sự sống tái tạo và sản xuất trong không gian có thể trở thành những yếu tố quan trọng để mở rộng sự hiện diện của con người ngoài Trái Đất.

Với những gì đang diễn ra, có thể nói rằng tương lai của các trạm vũ trụ không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn gắn liền với chiến lược của từng quốc gia. Và trong cuộc đua này, Trung Quốc đang có những bước tiến đầy tham vọng.

Read more

Local News