Saturday, March 29, 2025

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?

Share

Dù từng được xem là hành tinh thứ chín, nhưng từ năm 2006, nó bị giáng cấp thành “hành tinh lùn”, làm dấy lên nhiều tranh cãi trong giới khoa học và công chúng. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi trong cách phân loại, Sao Diêm Vương vẫn là một đối tượng nghiên cứu quan trọng, bởi môi trường cực đoan của nó có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các hành tinh băng giá, sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời và thậm chí là khả năng tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất.

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?- Ảnh 1.

Nếu bạn có thể đặt chân lên bề mặt Sao Diêm Vương (một điều gần như bất khả thi) bạn sẽ thấy thời gian trôi qua theo cách hoàn toàn khác biệt so với Trái Đất. Một năm trên Sao Diêm Vương kéo dài đến 247,68 năm Trái Đất. Điều này có nghĩa là nếu một người sinh ra tại đây, họ có thể sẽ không sống đủ lâu để chứng kiến ngày kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của mình.

Độ dài của một năm trên Sao Diêm Vương được xác định dựa trên định luật thứ ba của Kepler: chu kỳ quỹ đạo của một hành tinh tỉ lệ thuận với lũy thừa ba của bán trục chính quỹ đạo. Sao Diêm Vương nằm cách Mặt Trời trung bình 5,9 tỷ km, tương đương 39,44 đơn vị thiên văn (AU), điều này khiến quỹ đạo của nó kéo dài gần hai thế kỷ rưỡi theo thời gian Trái Đất.

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?- Ảnh 2.

Không chỉ thời gian mà ngay cả môi trường vật lý của Sao Diêm Vương cũng vô cùng khắc nghiệt. Nhiệt độ bề mặt dao động từ -229°C đến -240°C, gần sát với độ không tuyệt đối – mức nhiệt mà ở đó mọi chuyển động phân tử gần như ngừng lại. Với áp suất khí quyển chỉ bằng một phần triệu so với Trái Đất, bầu khí quyển của Sao Diêm Vương gần như không thể duy trì sự sống.

Nếu một người không mặc bộ đồ bảo hộ đặc biệt và bước ra bề mặt của hành tinh lùn này, cơ thể họ sẽ ngay lập tức bị hủy hoại. Chất lỏng trong cơ thể sẽ sôi lên do áp suất thấp, rồi nhanh chóng đóng băng, khiến tế bào vỡ ra.

Quá trình này diễn ra trong chưa đầy một giây và một cái chết đầy tức thời sẽ là điều không thể tránh khỏi. Ngay cả khi có trang bị phù hợp, việc sống lâu dài trên Sao Diêm Vương cũng là một thách thức. Lực hấp dẫn của hành tinh lùn này chỉ bằng 6% so với Trái Đất, có nghĩa là cơ bắp và xương của con người sẽ bị suy yếu nghiêm trọng sau thời gian dài tiếp xúc với trọng lực thấp.

Bầu khí quyển mỏng của Sao Diêm Vương chủ yếu bao gồm 90% nitơ, 10% methane và một lượng nhỏ carbon monoxide. Khi hành tinh lùn này di chuyển xa khỏi Mặt Trời trên quỹ đạo elip của nó, các khí này sẽ ngưng tụ thành băng, tạo thành một lớp phủ trên bề mặt.

Khi tiến gần Mặt Trời hơn, băng thăng hoa thành khí, tạo ra một bầu khí quyển mỏng manh nhưng vẫn không đủ để bảo vệ bề mặt khỏi bức xạ vũ trụ. Lượng ánh sáng Mặt Trời mà Sao Diêm Vương nhận được chỉ bằng 0,06% so với Trái Đất, khiến hành tinh này chìm trong bóng tối lạnh lẽo, bị bắn phá liên tục bởi tia cực tím và các hạt năng lượng cao.

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?- Ảnh 3.

Dù Sao Diêm Vương có vẻ là một thế giới chết chóc, nhưng dữ liệu thu thập được từ tàu thăm dò New Horizons của NASA vào năm 2015 đã tiết lộ một số điều bất ngờ. Trên bề mặt của hành tinh lùn này, tàu vũ trụ phát hiện một khu vực hình trái tim khổng lồ được gọi là Đồng bằng Sputnik. Đây là một lưu vực băng nitơ rộng lớn, có thể đang che giấu một đại dương lỏng bên dưới lớp băng dày.

Theo đó, giả thuyết về một đại dương ngầm trên Sao Diêm Vương đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong giới khoa học. Nếu có một nguồn nhiệt đủ mạnh để duy trì trạng thái lỏng của nước dưới lớp băng này, có thể sự sống vi sinh vật tồn tại ở đó.

Tuy nhiên, nếu có sự sống, nó sẽ phải hoàn toàn khác biệt với những gì chúng ta biết. Không giống như sự sống trên Trái Đất dựa vào năng lượng từ Mặt Trời, các sinh vật trên Sao Diêm Vương có thể phải dựa vào sự phân rã phóng xạ để tạo ra năng lượng, một hình thức sống hoàn toàn xa lạ với sinh quyển của chúng ta.

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?- Ảnh 4.

Ngay cả những sinh vật bền bỉ nhất trên Trái Đất cũng khó có thể sống sót trên Sao Diêm Vương. Các vi khuẩn chịu lạnh tốt nhất chỉ có thể tồn tại ở khoảng -15°C, trong khi nhiệt độ Sao Diêm Vương thấp hơn gấp nhiều lần.

Ngay cả loài gấu nước (tardigrade), sinh vật nổi tiếng có thể sống sót trong chân không vũ trụ, cũng chỉ chịu được nhiệt độ -272°C trong trạng thái ngủ đông, và điều kiện trung bình trên Sao Diêm Vương có thể nằm ngoài giới hạn chịu đựng của chúng.

Bên cạnh những điều kiện khắc nghiệt, Sao Diêm Vương còn có một lịch sử đầy biến động trong lĩnh vực thiên văn học. Vào năm 2006, Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đã quyết định giáng cấp Sao Diêm Vương xuống thành “hành tinh lùn” vì nó không đáp ứng tiêu chí “dọn sạch quỹ đạo”, tức là chưa đủ khối lượng để hấp dẫn và loại bỏ các thiên thể nhỏ khác trong vùng không gian xung quanh.

Quyết định này đã gây tranh cãi lớn, không chỉ trong cộng đồng khoa học mà còn với công chúng. Trong nhiều thập kỷ, Sao Diêm Vương được coi là hành tinh thứ chín của Hệ Mặt Trời, và việc giáng cấp nó đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng cho thấy khoa học không ngừng thay đổi và phát triển. Khi các nhà thiên văn học phát hiện thêm nhiều thiên thể khác trong Vành đai Kuiper, Sao Diêm Vương từ một hành tinh đặc biệt trở thành một trong số hàng trăm hành tinh lùn khác.

Một năm trên Sao Diêm Vương tương đương với 248 năm trên Trái Đất, và con người sẽ chết trong vòng chưa đầy một giây trên đó?- Ảnh 5.

Dù không còn được coi là một hành tinh, nhưng Sao Diêm Vương vẫn mang lại giá trị khoa học vô cùng lớn. Nó buộc chúng ta phải đối diện với sự mong manh của chính mình trong vũ trụ bao la và đặt ra những câu hỏi mới về sự sống, năng lượng và môi trường khắc nghiệt.

Khi chúng ta tiếp tục khám phá vũ trụ, Sao Diêm Vương có thể không chỉ là một thế giới băng giá cằn cỗi mà còn là chìa khóa mở ra những bí ẩn về nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống trong vũ trụ.

Read more

Local News