Trong thị trường màn hình máy tính chuyên dụng, bên cạnh màn hình cho dân thiết kế, đồ họa; hay loại hướng tới các game thủ thì còn một nhánh nữa: Màn hình dành cho những người lập trình viên. BenQ cũng đã có một lựa chọn thuộc dòng sản phẩm này mang tên BenQ RD280UA , ngoài việc nổi bật với những tính năng bảo vệ mắt thì còn có tỷ lệ 3:2 không thường thấy!
Mở hộp và lắp lên bàn thôi!
Trước tiên ta sẽ cùng mở hộp để xem màn hình có những phụ kiện gì trước đã! Ta có 4 sợi dây bao gồm dây nguồn, dây 2 đầu USB-C, dây USB-B để sử dụng tính năng PassThrough (sử dụng màn hình làm Hub cho các thiết bị ngoại vi) và dây DisplayPort.
Phiên bản tôi trải nghiệm là phiên bản với tay gắn bàn (Arm), trước khi lắp lên thì chia ra làm 2 phần.
Phần dài hơn có kẹp để gắn vào mặt bàn, sau đó lắp phần ngắn vào và vặn chốt. Toàn bộ quá trình lắp đặt tay đỡ màn hình đều có thể thực hiện bằng tay, không cần tới dụng cụ gì khác.
Sau đó ta sẽ lấy màn hình, lựa đúng chốt rồi đặt vào nghe tiếng ‘kịch’ là xong. Từ góc này ta cũng có thể thấy cả tay đỡ và mặt sau màn hình đều có họa tiết trang trí phay xước, tạo thêm một chút điểm nhấn so với việc để trơn hoàn toàn.
Tay đỡ còn có một ‘bí mật’ là phần tay đỡ dọc có thể tháo ra được, để lộ đường dẫn để giấu dây vào bên trong, giúp bàn làm việc nhìn gọn gàng hơn.
Tay đỡ này có tính linh hoạt rất tốt, có đầy đủ tất cả những điều chỉnh mà người dùng cần bao gồm chỉnh chiều cao,…
Lật lên vào xuống,…
Xoay sang trái và phải, kéo gần lại về phía người dùng…
Và cuối cùng là xoay màn hình hẳn theo hướng dọc.
Ở mặt sau, ta có cổng HDMI, DisplayPort, cổng USB-B PassThrough, 2 cổng USB-C trong đó một cho các thiết bị ngoại vi, một để kết nối với laptop – vừa để truyền hình ảnh vừa để sạc với công suất 90W. Màn hình có tính năng KVM, cho phép sử dụng một bộ chuột, phím để điều khiển 2 máy đang kết nối với màn.
Cắm điện, điều đầu tiên làm chúng tôi bất ngờ là vòng xung quanh ngàm gắn màn hình bỗng phát sáng lên! BenQ gọi đây là vòng MoonHalo, được sử dụng làm đèn môi trường (ambient light) để giảm sự tương phản ánh sáng khi dùng màn hình vào buổi tối, từ đó tránh mỏi mắt.
Đèn này có thể điều chỉnh được độ sáng, nhiệt độ màu (từ trắng sang vàng) và tắt một phần nhỏ (1 phần 4 vòng tròn hướng xuống dưới).
Có khá nhiều lập trình viên phải làm việc khuya, chiếc đèn này vừa có yếu tố trang trí vừa để giảm mỏi mắt trong điều kiện thiếu sáng. Nhiều bạn cũng thường mua thêm đèn dải để gắn thêm vào màn hình để có hiệu ứng này, còn BenQ thì tích hợp luôn trên chiếc màn hình của mình.
Trong khi các hãng khác tìm cách để ‘giấu’ cụm nút bấm điều khiển của mình đi, thì BenQ lại đặt nguyên một dải ‘lồi’ ra hẳn so với màn hình.
Sở dĩ cụm này lớn như vậy vì nó được tích hợp hệ thống cảm biến ánh sáng, cho phép tự động điều chỉnh độ sáng màn hình, độ sáng của đèn MoonHalo cũng như nhiệt độ màu tùy vào ánh sáng của môi trường. Sử dụng trong môi trường đầy đủ sáng, màn hình sẽ tăng độ sáng màn hình, tắt đèn phía sau; khi trời tối thì màn sẽ giảm sáng, chọn nhiệt độ màu ấm hơn cũng như sử dụng đèn MoonHalo.
Ở ngay bên cạnh cụm điều khiển ta có 3 cổng USB-A và cổng nhạc 3.5mm – tích hợp tính năng KVM switch như đã đề cập ở trên.
Các tính năng của màn hình có thể điều khiển bằng cụm phím này hoặc bằng ứng dụng Display Pilot 2 trên máy tính, một tính năng hay mà theo tôi bất cứ thương hiệu màn hình nào cũng nên có. Mỗi khi cần chỉnh độ sáng, chọn giữa các profile màu hay bật tắt đèn MoonHalo thì chỉ tốn 1 – 2 thao tác trên phần mềm, thay vì phải ‘mò tay’ xuống hệ thống nút bấm và joystick.
Màu Coding – Light Theme hơi ngả màu vàng để nền trắng dịu mắt hơn
Còn màu Coding – Dark Theme tăng tương phản, ‘dìm’ màu đen để làm nổi bật chữ
Nhấn vào nút ở giữa, màn hình sẽ chuyển nhanh sang “Chế độ Code”, tăng độ tương phản để làm rõ chữ đồng thời bật đèn MoonHalo phía sau luôn. Trong đó profile màu “Coding – Dark Theme” phù hợp với các ứng dụng lập trình có nền tối sẽ tăng độ sâu của màu đen, nên chữ được làm nổi bật và rất dễ nhìn.
Màu ePaper mô phỏng lại màn hình giấy
Tại đây ta cũng thấy có cả profile màu ePaper khá hay, biến màn hình thành đen trắng với độ tương phản thấp mô phỏng lại công nghệ màn hình giấy ePaper. Màu này chắc chắn là thích hợp nhất với việc đọc sách rồi, kết hợp với lớp phủ lì của màn hình cho cảm giác như đang đọc trên giấy thật vậy!
Ứng dụng này cũng cho phép bật tắt, chuyển profile màu sắc theo thời gian và từng ứng dụng. Ví dụ tôi sẽ chọn profile màu Coding Light Theme cho Visual Studio Code trong thời gian từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, rồi chuyển sang Dark Theme tới 12 giờ tối. Hay các ứng dụng đồ họa như Lightroom, Photoshop thì có thể chọn riêng màu sRGB để cho màu chính xác nhất.
Tính năng “Night Hours Protection” (Bảo vệ mắt ban đêm) cho phép màn hình giảm độ sáng thấp hơn cả mức có thể lựa chọn thông thường, giảm căng thẳng cho mắt khi dùng trong điều kiện thiếu sáng. Có thể thấy màn hình có khá nhiều tính năng để dùng vào ban đêm – có lẽ BenQ cũng biết các lập trình viên thường là ‘cú đêm’!
Mục B.I Gen2 để bật tắt, chỉnh độ nhạy của cảm biến tự động đổi màu sắc, độ sáng màn hình.
Bên cạnh đó còn có một tính năng là “Eye Reminder”, khuyên người dùng nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian đặt trước để tránh khô, mỏi mắt.
Tỷ lệ 3:2 khác lạ, hình ảnh tối ưu cho việc lập trình
Mặc dù tính năng tự động điều chỉnh màn hình theo ánh sáng môi trường khá độc đáo, nhưng lại không phải là tính năng ‘lạ’ nhất mà BenQ RD280UA sở hữu mà đến từ tỷ lệ của màn hình. BenQ RD280UA không có tỷ lệ chiều ngang / chiều dọc là 16:9 như những màn hình máy tính thông thường, cũng chả ngang bè như Ultrawide 21:9 mà lại sở hữu tỷ lệ ‘cao’ hơn là 3:2.
Tỷ lệ cao hơn này có lợi ích gì? Là một màn hình hướng tới những người làm lập trình, RD280UA có chiều dọc dài hơn màn hình 16:9 sẽ giúp hiển thị được nhiều dòng code hơn, từ đó giúp người dùng dễ theo dõi hơn và cũng giảm số lần phải cuộn chuột.
Với kích thước 28 inch, chiếc màn hình này sẽ giống như một màn hình 24 inch 16:9 nhưng ‘đắp’ thêm về chiều cao, và sẽ tương đương với màn hình 32 inch ‘cắt’ một chút không gian bề ngang.
Tuy vậy, các video Youtube hay phim truyền hình hiện nay vẫn đang dùng chuẩn 16:9, nên khi xem trên RD280UA sẽ để lại viền đen ở cả trên và dưới, không tối ưu được diện tích hiển thị. Đây là điều mà ta sẽ phải chấp nhận ở những màn hình với tỷ lệ đặc biệt thôi, màn hình Ultrawide 21:9 khi xem video cũng có 2 viền đen rất lớn ở 2 bên.
Màn hình có độ phân giải 4K+ (3840×2560), nên hình ảnh hiển thị có độ nét cao đặc biệt là các nội dung chữ kích cỡ nhỏ, nhìn ‘mịn mắt’ và không rỗ hạt. Mặc định, màu sắc của màn hình hơi ngả vàng so với tiêu chuẩn một chút nên tạo cảm giác dịu mắt, nhất là ở những màn hình có nhiều màu trắng. Độ sáng ở mức tiêu chuẩn 400 nits (có HDR10 và DisplayHDR400), vừa đủ cho các nhu cầu sử dụng văn phòng và giải trí nhẹ nhàng.
Một ưu điểm lớn mà chúng tôi nhận ra ngay khi sử dụng BenQ RD280UA đó là lớp chống chói trên màn hình hoạt động rất hiệu quả! Trong ảnh trên, có một chiếc đèn công suất lớn đang chiếu thẳng vào góc phải màn hình, nhưng lớp chống chói đã ‘tán’ ánh sáng và không gây xao nhãng.
Lớp chống chói này kết hợp với Chế độ Code của màn hình, giữ cho các yếu tố màu đen như nền của ứng dụng lập trình được hiển thị sâu nhất, không biến thành màu xám nên các dòng lệnh đều ‘nổi bần bật’, không cần phải nheo mắt nhìn.
Lựa chọn cao cấp, đúng người thì sẽ đáng tiền
Với mức giá 15.400.000 Đồng , BenQ RD280UA chắc chắn không phải là một chiếc màn hình rẻ. Nhưng đây có thể coi là một khoản đầu tư cho sức khỏe thị giác, khi được trang bị khá nhiều tính năng để bảo vệ mắt: Từ tỷ lệ 3:2 hiển thị được nhiều nội dung hơn, chế độ chuyên code với màu sắc phù hợp với việc ‘ngồi ngắm chữ’, cảm biến tự động điều chỉnh hình ảnh và tích hợp cả đèn môi trường luôn.
Sử dụng rồi tôi mới thấy, màn hình này không chỉ phù hợp với mỗi lập trình viên thôi mà những ai thường xuyên phải làm việc với văn bản (luật sư, phóng viên), trang sheet Excel (kế toán) cũng sẽ cảm thấy thích màn hình này.
Ngược lại, đây không phải là màn hình tối ưu cho việc chơi game (độ phân giải cao khó ‘kéo’, tần số quét dừng lại ở 60Hz) và cũng không dành cho những bạn chỉ cần màn hình để tiêu thụ nội dung (tỷ lệ 3:2 sẽ có viền đen với video), với tầm giá này sẽ còn nhiều lựa chọn khác phù hợp hơn thậm chí từ chính BenQ.
Tham khảo thêm về màn hình lập trình BenQ RD280UA:
– Website chính thức của BenQ
– Shopee
– Lazada