Thursday, January 23, 2025

Loài thực vật trong suốt lần đầu ghi nhận sống ở vĩ độ cao nhất Việt Nam

Share

Ngày 23-12, tin từ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết tại khu vực rừng nguyên sinh thuộc bản Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), các nhà khoa học vừa ghi nhận một loài thực vật trong suốt, không có diệp lục.

Loài thực vật trong suốt lần đầu ghi nhận sống ở vĩ độ cao nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Loài thực vật mới trong suốt, không có diệp lục, lần đầu tiên được ghi nhận ở vị trí cao nhất Việt Nam. Ảnh: Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga

Theo báo cáo, trong chuyến khảo sát sinh thái và đa dạng sinh học tháng 10-2023, các nhà khoa học Đoàn nghiên cứu hỗn hợp Việt – Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga và Trường Đại học Tổng hợp Moscow, Liên bang Nga) cùng với các cán bộ khoa học Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã ghi nhận một loài thực vật cho khoa học, được công bố học trên tạp chí Phytotaxa, tháng 6-2024.

Loài mới này có tên khoa học là Thismia papillata, đây là loài thực vật không có diệp lục duy nhất được phát hiện ở độ cao 800 m so với mực nước biển.

Theo các nhà khoa học, thông thường, các loài thực vật có diệp lục tự tổng hợp dinh dưỡng thông qua quá trình quang hợp. Hầu hết các loài thực vật không có diệp lục phải lấy nguồn dinh dưỡng nhờ vào sự cộng sinh với một số loài nấm trong quá trình sinh trưởng và phát triển, gọi là thực vật dị dưỡng (Mycoheterotrophic).

Loài Thismia papillata thuộc chi Tiết mi (Thismia), họ Tiết mi (Thismiaceae), là loài thực vật thân thảo rất nhỏ sống dị dưỡng cộng sinh với nấm, thân hơi mọng, rễ dạng sợi, sống trên cạn và ưa ẩm vừa phải.

Cành (khi nở hoa) dài khoảng 1 mm, mang một bông hoa duy nhất ở đầu cuối được bao quanh bởi 3 lá bắc. Lá nhỏ, mọc so le hay mọc đối, bị suy thoái thành dạng vảy hình tam giác hoặc hình trứng, nhẵn, dài 2 mm và không có diệp lục.

Lá bắc rời có màu trắng nhạt, hình trứng ngược, dài 4,0-4,9 mm, nhẵn, bám chặt vào đế hoa. Hoa lưỡng tính, màu trắng nhạt, dài khoảng 13 mm, hình chén ngược hơi nghiêng, mặt ngoài có các nốt nhú nổi rõ, ở giữa uốn cong khoảng 90 độ. Các nhị hoa liên kết lại thành 1 ống uốn cong hình chiếc ủng, noãn dưới gồm nhiều ô. Hoa nở vào tháng 10.

Loài này có đặc điểm khác biệt nhất so với các loài khác trong chi Thismia là hình thái các phần phụ của bao hoa bên ngoài và bên trong. Các bao hoa bên trong hợp nhất thành dạng mũ, các phần phụ của các bao hoa bên ngoài dài 15 mm, các phần phụ của các bao hoa bên trong dài 9 mm.

Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được 109 loài thuộc chi Tiết mi trên toàn thế giới, hầu hết các loài phân bố từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, đến vùng ôn đới Úc và châu Mỹ.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã xác định được 6 loài thuộc chi Tiết mi. Điều đặc biệt, cả 6 loài này đều phân bố từ Quảng Trị trở vào. Loài Thismia papillata tại Xuân Liên chỉ phát hiện một mẫu duy nhất, được ghi nhận lần đầu tiên có phân bố ở vĩ độ cao nhất trên lãnh thổ nước ta.

Theo các nhà khoa học, việc phát hiện loài thực vật mới Thismia papillata tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục bổ sung minh chứng cho thấy đây là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, nơi đây cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn để phát huy giá trị đa dạng sinh học, sinh thái và môi trường.

Read more

Local News